TP.HCM: Sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản

Sau Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TPHCM với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm đề xuất giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản.

Theo đó, đối với các vướng mắc liên quan đến sự bất cập, xung đột giữa các quy định trong quy trình thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, UBND TP sẽ kiến nghị Trung ương tháo gỡ.

Đối với các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản còn hồ sơ đang tồn đọng, chưa xem xét giải quyết tại các sở-ngành có liên quan, Sở Xây dựng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng phân loại từng nhóm vướng mắc để giải quyết từng trường hợp.

Đối với các công trình, dự án trọng điểm đăng ký phong trào thi đua năm 2020 và phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp của khối đô thị, UBND TP sẽ xem xét duyệt từng nội dung.

Trước đó, tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản năm 2020, lãnh đạo TPHCM cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng "bơm" thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải làm nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, không được để "đứng hình" hết.

Trên địa bàn TPHCM hiện nay có nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, triển khai quá chậm; nguyên nhân là do sự phối hợp của các sở ngành chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm. Điển hình như việc xác định nghĩa vụ tài chính phát sinh khi điều chỉnh bị chậm dẫn đến việc cấp phép xây dựng cho các dự án bị chậm. 

Hay 20% quỹ nhà ở xã hội của các dự án có khi doanh nghiệp năn nỉ TP lấy nhưng các cơ quan của TPHCM không trả lời dứt điểm, doanh nghiệp xin tự bán cũng không cho", ông Hoan nêu vấn đề và giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cùng các sở ngành liên quan trong năm 2020 phải "số hóa" dữ liệu nhà, đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm, phối hợp đồng bộ với các sở ngành tổng rà soát lại quy hoạch… 

Trên cơ sở đó, UBND chỉ đạo Sở Xây dựng phải tiến tới quản lý xây dựng trên cơ sở quy chế xây dựng và thiết kế đô thị, giấy phép xây dựng phải được thực hiện trên thiết kế đô thị, từ đó tránh tình trạng chạy chỉ tiêu quy hoạch, phòng chống nhũng nhiễu, tham nhũng trong công tác cấp phép.

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn được giao phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn TP, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để TPHCM chọn nhà hay quy đổi thành tiền, để từ nguồn tiền này phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Cũng tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, trong quá trình phát triển dự án những năm gần đây, tập đoàn gặp những khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Chẳng hạn như với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2, TPHCM), các bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với dự án xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm… Đơn vị chủ động xin được đề xuất với các bộ ngành trung ương, TPHCM 2 phương án để thực hiện.

Phương án 1, được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10; đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.

Phương án 2, được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Ngoài ra, còn hàng loạt vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp đã nêu ra tại các hội nghị lần trước, đến nay nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết, như vụ việc xin nộp tiền sử dụng đất của Công ty CP Địa ốc Xanh, xin giao đất sau khi trúng đấu giá của Công ty CP Địa ốc Phú Long…

Một trong những những vấn đề gây ách tắc cho nhiều dự án thời gian qua là "xử lý" phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở. Về vấn đề này, UBND TPHCM cho biết sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho áp dụng chung trên địa bàn TPHCM.

Theo CafeF